“Con muốn nghe câu chuyện “Ba Con Gấu”!”
Ngày nay, các bậc cha mẹ, hộ lý và giáo viên có khá nhiều lựa chọn mỗi khi họ nhận được yêu cầu như thế từ con trẻ. Bạn có thể đọc một cuốn truyện tranh màu, bật hoạt hình lên hoặc cho chúng nghe sách nói, hoặc thậm chí là hỏi các trợ lý ảo trên điện thoại như Alexa.
Một nghiên cứu mới được công bố gần đây đã cho ta vài góc nhìn về việc, điều gì sẽ xảy ra trong bộ não của trẻ nhỏ khi ta cho trẻ đọc sách, xem hoạt hình hoặc nghe sách qua audio. Và theo tác giả của nghiên cứu trên – bác sĩ John Hutton, có sự xuất hiện rõ ràng của “hiện tượng Goldilocks”, rằng một vài cách kể chuyện là “quá lạnh” đối với trẻ em, một số khác lại “quá nóng”. Và dĩ nhiên, có một vài kiểu kể chuyện là “phù hợp” cho trẻ.
Hutton hiện là một nhà nghiên cứu đồng thời là một bác sĩ khoa nhi tại bệnh viện Nhi đồng Cincinnati, ông có một niềm yêu thích đối với “sự nhen nhóm trong việc đọc”, chỉ quá trình khi ta bắt đầu học cách đọc chữ viết.
Trong nghiên cứu của Hutton, 27 trẻ em trong khoảng tầm 4 tuổi được đưa vào một máy quét fMRI (máy chụp cộng hưởng từ chức năng) . Tại đây các bé được đưa cho các câu chuyện kể dưới 3 hình thức khác nhau: chỉ nghe audio; nghe đọc kèm với một vài trang truyện tranh; và xem hoạt hình. Cả ba cách thức này đều đến từ website của tác giả Robert Munsch.
Trong khi các em nhỏ này đang tập trung vào câu chuyện được đưa cho, máy MRI – một loại máy đo được tình trạng các vùng hoạt động và các kết nối của não, sẽ quét qua não của trẻ.
“Chúng tôi thực hiện ý tưởng nhằm phát hiện được cách mà mạng lưới não bộ bị ảnh hưởng bởi các câu chuyện.” Hutton giải thích. Một là tiếp thu tiếng nói, một là tiếp nhận hình ảnh trực quan. Thứ ba là phải tự tượng tưởng ra hình ảnh. Thứ tư là trạng thái khi bình thường của mạng lưới não, cái mà Hutton gọi là “ghế ngồi của tâm hồn, sự phản chiếu bên trong – thứ sẽ có tác động đến bạn”.
Trạng thái bình thường của mạng lưới não bộ dùng để chỉ các vùng trên não có dấu hiệu hoạt động mạnh hơn trong khi đang ở trạng thái mất tập trung vào các nhiệm vụ đã được định sẵn bởi não đối với thế giới bên ngoài.
Trong phần mà bác sĩ Hutton có nhắc đến “hiệu ứng Goldilocks”, thì đây chính là kết quả mà các nhà nghiên cứu nhận được:
Trong trường hợp chỉ được nghe sách nói (quá lạnh): vùng ngôn ngữ trong não sẽ được kích hoạt mạnh hơn, tuy nhiên lại có khá ít các liên kết xảy ra. “Có bằng chứng rằng khi phải nghe để hiểu thì bọn trẻ sẽ dễ mệt hơn.”
Trong trường hợp xem hoạt hình (quá nóng): vùng âm thanh và hình ảnh của não được kích hoạt rất nhiều, nhưng lại vẫn không có nhiều các kết nối giữa các vùng mạng lưới não bộ với nhau. “Chúng tôi giải thích rằng đó là do hoạt hình đã làm tất cả mọi việc thay cho trẻ và trẻ sẽ dùng hết năng lượng vào việc phân tích xem chuyện gì đang xảy ra trên màn hình.” Việc lĩnh hội nội dung câu chuyện thông qua xem hoạt hình là tệ nhất so với các tình huống khác.
Trường hợp xem truyện tranh được vẽ mình họa, vùng não về ngôn ngữ hoạt động kém một chút so với trường hợp nghe audio. Nhưng thay vì phải tập trung vào từ ngữ, trẻ con hiểu câu chuyện phần lớn thông qua các hình được vẽ để đoán biết diễn biến.
“Hãy đưa cho trẻ con một bức tranh và chúng sẽ có cách để tự hiểu.” Hutton giải thích “Với hoạt hình, tất cả đều đã làm thay cho bọn trẻ, và bọn chúng chỉ việc xem thôi.”
Quan trọng nhất là trong trường hợp đọc truyện tranh, các nhà nghiên cứu đã thấy được sự tăng lên trong liên kết giữa các vùng trước đó đã theo dõi như: vùng tiếp nhận hình ảnh, vùng tưởng tượng, vùng ngôn ngữ và cả trạng thái bình thường của não.
“Đối với trẻ từ 3 đến 5 tuổi, vùng tưởng tượng và trạng thái bình thường của não sẽ phát triển muộn hơn, do đó nó cần phải luyện tập nhiều mới có thể kết nối được với phần còn lại của cả bộ não. Nếu để trẻ xem hoạt hình, bạn sẽ lỡ đi cơ hội để phát triển vùng não đó của trẻ.” Hutton giải thích.
Đọc sách cho trẻ con nghe có tác dụng nhiều hơn bề ngoài mà bạn thấy, đó là loại “cơ bắp” mà não cần phát triển để đưa hình ảnh của cuộc sống vào trong tâm trí trẻ.
Mối quan tâm của Hutton là trong dài hạn, những đứa trẻ xem quá nhiều hoạt hình sẽ có nguy cơ lớn lên mà không có sự thống nhất trong não bộ. Bị quá tải bởi những yêu cầu tiến bộ hơn trong ngôn ngữ, nhưng lại không được luyện tập đủ nhiều, những đứa trẻ đó cũng sẽ thiếu đi kỹ năng tạo ra các hình ảnh trong đầu dựa vào những gì mình đọc được, gây ra sự phản ánh không chính xác nội dung câu chuyện. Đây chính là khuôn mẫu của một kiểu “người đọc bất đắc dĩ” – những người mà bộ não của họ không thể nào hiểu hết được ý nghĩa đằng một cuốn sách.
Có một lưu ý nho nhỏ, rằng có thể khi bọn trẻ phải ngồi trong máy MRI để đọc truyện tranh thì sẽ dễ bị căng thẳng hơn là khi được ngồi trên đùi ba mẹ để đọc, kết quả đáng lẽ khả quan hơn cả ban đầu. Theo Hutton, các mối liên kết cảm xúc và sự gần gũi là thứ bị thiếu đi khi thực hiện thí nghiệm này. Cũng như vậy, các cuộc đối thoại nhỏ khi đọc như khi người hộ lý yêu cầu trẻ chỉ ra trên bức tranh “Con mèo ở đâu?”, sự tương tác như thế đã bị mất đi và gây ảnh hưởng đến kết quả của thí nghiệm.
Ở một thế giới lý tưởng như thế này, mong bạn sẽ luôn có mặt để đọc sách cho con bạn nghe. Kết quả của cuộc nghiên cứu nhỏ và sơ bộ này cũng đưa ra một lời cảnh báo đối với cha mẹ rằng, khi bật các thiết bị điện tử lên cho con trẻ, hay hướng sự chú ý của mình một chút về các sách tranh minh họa, ebook thay vì cứ cho chúng nghe audio hay xem hoạt hình.
Nguồn: National Public Radio – Người dịch: Rùa Béo
Bạn vừa xem bài viết Điều Gì Diễn Ra Trong Não Của Con Trẻ Khi Bạn Đọc Sách Cho Chúng Nghe?
Ghi rõ nguồn lovebooks.vn khi đăng tải lại bài viết này!