“Ai có thể yêu những ngày nắng nếu chưa từng trải qua những ngày mưa? Ai có thể ước ao ánh sáng ban ngày nếu chưa từng trải qua đêm tối?”
“Chúng ta thay đổi mỗi ngày, và con người hôm qua của chúng ta đã chết” – John Updike từng viết. “Vậy tại sao… chúng ta lại phải sợ hãi cái chết, khi mà nó đến với ta bất cứ lúc nào?”. Một nửa thiên niên kỷ trước, Montaigne đã đặt ra câu hỏi tương tự khi ông chiêm nghiệm về cái chết và nghệ thuật sống: “Than thở về việc chúng ta không thể sống tới hàng ngàn năm tiếp theo, cũng điên rồ như việc tiếc nuối tại sao chúng ta không được sinh ra từ hàng ngàn năm trước vậy.”
Tuy nhiên, cái chết vẫn luôn làm chúng ta khiếp sợ – cái chết của chính ta, và có lẽ cả cái chết của những người thân yêu. Nếu một người trưởng thành vẫn hoang mang và không nắm bắt được ý niệm về cái chết, vậy làm cách nào để lý giải cho một đứa trẻ về cái chết, để khiến nó cảm thấy thấu hiểu và chấp nhận cái chết như một phần của sự sống?
Cuốn sách “Khóc, Buồn, Nhưng Không Bao Giờ Gục Ngã” (Cry, heart, but never break) đã giải thích một rất thông minh và đầy đủ cho những đứa trẻ về cái chết. Cuốn sách này được viết bởi nhà văn người Đan Mạch Glenn Ringtved, minh họa bởi Charlotte Pardi, và được dịch sang tiếng Anh bởi Robert Moulthrop. Bản Tiếng Việt được dịch bởi dịch giả Mẹ Ong Bông và đưa vào tủ sách Ehon – Thực phẩm cho tâm hồn bé.
Mặc dù nhà văn Ringtved nổi tiếng với những cuốn truyện mang tính hài hước, nhưng Khóc, Buồn, Nhưng Không Bao Giờ Gục Ngã lại được nhen nhóm từ chính trải nghiệm sâu sắc của tác giả – khi mẹ của ông đang hấp hối và ông thì phải cố gắng để giải thích cho những đứa con của mình về cái chết. Và mẹ ông, bằng những câu từ thật nhẹ nhàng: “Hãy khóc, hãy đớn đau, nhưng đừng bao giờ gục ngã”, bà đã an ủi những đứa cháu rằng, thay vì phủ nhận nó, hãy cho phép nỗi đau, nỗi mất mát này được đến với mình, sau đó gấp nó lại trong một trang của cuộc sống, và tiếp tục lật sang những trang tiếp theo.
Câu chuyện bắt đầu với khung cảnh trong “căn nhà nhỏ ấm áp”, nơi bốn đứa trẻ sống cùng người bà thân yêu của chúng. Đến một ngày, Tử Thần đến căn nhà đó để đưa người bà đã già yếu ra đi. Không muốn khiến những đứa trẻ phải hoảng sợ, Tử Thần đã để lưỡi hái của mình bên ngoài cửa. Chi tiết nhỏ này đã khiến chúng ta nhận ra sự nhân từ đáng ngạc nhiên của Tử Thần.
Bên trong căn nhà, Tử Thần ngồi ở tại bàn bếp cùng đứa út, Leah bé nhỏ, trong khi cô bé cứ nhìn chằm chằm vào ông.
Điều khiến cuốn sách Khóc, Buồn, Nhưng Không Bao Giờ Gục Ngã trở nên cảm động chính là nhờ vào những nét vẽ biểu cảm của Charlotte Pardi, ngay đến cả Tử Thần cũng buồn bã và không cam lòng khi ông phải đưa bà của những đứa bé đi.
“Trong im lặng, những đứa trẻ nghe thấy bà trên tầng, tiếng thở khó nhọc của bà. Chúng biết Tử Thần đến để đưa bà đi và thời gian không còn nhiều.”
Như muốn ngăn lại điều chắc chắn sẽ xảy đến, những đứa trẻ bày ra một kế hoạch. Chúng tin rằng Tử Thần chỉ làm việc vào ban đêm, nên đã liên tục mới ông dùng cà phê cho tới tận lúc bình minh ló rạng. Và khi trời đã sáng thì Tử Thần sẽ phải đi mà không mang bà của chúng theo.
Và ở đây, ta bỗng gặp một Tử Thần thật bình dị, khi mà ông bình thản ngồi uống một tách cà phê trong bàn bếp.
Nhưng Tử Thần cuối cùng vẫn đưa bàn tay xương xẩu của mình rời khỏi cốc cà phê như báo rằng thời khắc đó đã đến.
Leah đưa bàn tay nhỏ bé của mình, nắm lấy tay của tử thần như cầu xin ông đừng đưa người bà yêu quý của em đi. “Tại sao vậy ạ?”, Leah hỏi, “Tại sao bà nhất định phải chết?”
Một lần nữa cảm thương với những đứa trẻ này, Tử Thần quyết định kể cho chúng một câu chuyện, với hy vọng rằng nó sẽ giúp bọn trẻ hiểu được tại sao Cái Chết là điều tự nhiên và thiết yếu của Sự Sống.
Tử Thần kể rằng có hai người anh em tên là Buồn Bã và Đau Khổ, chúng sống trong một thung lũng ủ dột và mỗi ngày trôi qua đều thật “chậm chạp và nặng nề” vì chẳng ai ngước nhìn lên cả, họ thậm chí còn chưa từng nhìn thấy gì quá cái bóng của đỉnh đồi.
“Vượt ra khỏi những cái bóng”, Tử Thần kể, “là hai chị em nọ tên là Vui Vẻ và Hân Hoan.”
“Hai chị em luôn tươi vui và lạc quan, những ngày của họ tràn ngập hạnh phúc. Chỉ là họ luôn cảm thấy bản thân đang thiếu đi điều gì đó. Hai chị em không biết điều đó là gì, nhưng họ không thể cảm nhận trọn vẹn được niềm hạnh phúc của mình.”
Tử Thần kể và Leah bé nhỏ gật đầu như đoán được điều sắp tới của câu chuyện, rằng một ngày hai anh em đã gặp hai chị em và rồi họ yêu nhau. Họ rất xứng đôi vừa lứa: Buồn Bã yêu Vui Vẻ, Đau Khổ yêu Hân Hoan.
Tử Thần tiếp tục kể: “Có phải giống với Sự Sống và Cái Chết không? Sự Sống còn đáng giá không nếu không có Cái Chết ? Ai có thể yêu những ngày nắng nếu chưa từng trải qua những ngày mưa? Ai có thể ước ao ánh sáng ban ngày nếu chưa từng trải qua đêm tối?”
Điều gì đó đã khiến câu chuyện bỗng trở nên lắng đọng…
“Sự Sống còn đáng giá không nếu không có Cái Chết ? Ai có thể yêu những ngày nắng nếu chưa từng trải qua những ngày mưa? Ai có thể ước ao ánh sáng ban ngày nếu chưa từng trải qua đêm tối?”
Tử Thần cuối cùng cũng rời khỏi bàn để đi lên phía cầu thang nơi bà của các em đang nằm, cậu em út định chạy theo chặn ông lại, nhưng rồi anh trai đã đặt tay lên vai và nhẹ nhàng giữ cậu ở lại.
Một lúc sau, những đứa trẻ nghe thấy tiếng cửa sổ trên tầng bật mở. Rồi lẫn trong tiếng khóc và nỉ non, có tiếng Tử Thần, ông nói: “Bay đi nào, hỡi linh hồn. Hãy bay đi!”
Bọn trẻ nhanh chóng lên tầng nơi bà của chúng đã ra đi mãi mãi, khoảnh khắc của nỗi đau thương được bao trùm bởi sự thanh thản.
Bức rèm khẽ đung đưa trong gió sớm mai. Nhìn về phía bọn trẻ, Tử Thần khẽ nói “Hãy khóc, hãy buồn nhưng đừng bao giờ gục ngã. Hãy để nước mắt của nỗi buồn và sự tiếc thương giúp mở ra một trang mới của cuộc sống”.
Rồi Tử Thần cũng rời đi.
Về sau, mỗi khi mở cửa sổ lũ trẻ lại nghĩ đến người bà của mình. Và khi cơn gió khẽ mơn man trên da mặt, những đứa trẻ lại thấy như bà vẫn còn ở đó vỗ về mình.
Bạn vừa xem bài viết Khóc, Buồn, Nhưng Không Bao Giờ Gục Ngã: Những Chiêm Nghiệm Sâu Sắc Về Cuộc Đời Và Sự Mất Mát. Vui lòng ghi rõ nguồn Lovebooks.vn nếu đem bài viết ra ngoài.
Dịch từ trang brainpickings.org
Người dịch: Rùa Béo