“Điều gì khiến cuộc sống của chúng ta có ý nghĩa? Và nếu một ngày nào đó, ta phát hiện những điều cho chúng ta ý nghĩa sống không còn nữa, vậy tiếp theo sẽ phải làm gì?
Tôi vẫn trăn trở về câu hỏi đó sau khi đọc xong Lược Sử Tương Lai – cuốn sách mới đã gây nhiều tranh cãi của tác giả Yuval Noah Harari.
Melinda và tôi rất thích cuốn sách trước của tác giả Harari là cuốn Sapiens – Lược Sử Loài Người. Sapiens đã đưa ra những giải thích về việc bằng cách nào mà giống loài của chúng ta trở thành kẻ thống trị Trái Đất. Cuốn sách đã khuấy động cuộc trò chuyện trong giờ ăn tối sau khi Melinda và tôi đọc xong nó. Vậy nên ngay khi Homo Deus – Lược Sử Tương Lai phát hành vào năm vừa rồi, tôi đã mua một cuốn về để đọc vào kỳ nghỉ.
Tôi cảm thấy vui vì đã đọc nó, cuốn sách mới này vẫn hấp dẫn và đầy thách thức như cuốn Sapiens trước đó của Harari. Thay vì nhìn ngược lại quá khứ như Sapiens, Homo Deus lại hướng về tương lai. Tôi không hoàn toàn đồng ý với mọi thứ mà tác giả viết, tuy nhiên cái nhìn sâu sắc của Harari trong cuốn sách này là một viễn cảnh hoàn toàn có thể xảy ra đối với nhân loại.
Lược Sử Tương Lai tranh luận về những nguyên tắc có hệ thống trong một xã hội sẽ trải qua nhiều biến đổi to lớn vào thế kỉ 21, theo sau đó là những hậu quả như chúng ta đã biết. Cho đến bây giờ, những điều đã tái định hình lại xã hội, những điều ta dùng để đánh giá bản thân – đã trở thành tổ hợp cuộc những quy tắc mang tính tín ngưỡng về làm thế nào để sống tốt đẹp hơn, và ngày càng nhiều hơn những mục tiêu thực tế như loại bỏ bệnh tật, đói nghèo, chiến tranh. Chúng ta đã sắp xếp để có được những nhu cầu cơ bản của con người: cảm thấy hạnh phúc, khỏe mạnh và kiểm soát được môi trường xung quanh mình. Những mục đích này nếu theo suy luận logic của con người, thì theo Harari, chúng ta thật ra đang đấu tranh để có được “niềm vui sướng, sự bất tử và tính thần thánh”.
Và rồi thế giới sẽ thế nào khi con người thực sự đạt được những điều đó? Đây hoàn toàn không phải một dự đoán vu vơ khi mà chiến tranh và bạo lực đã và đang ở mức thấp nhất trong lịch sử; những thành tựu khoa học công nghệ đang giúp con người sống lâu hơn và chúng đang trên con đường giúp ta xóa bỏ bệnh tật, đói nghèo.
Và ý nghĩ khiêu khích nhất của Harari là ở đây: Mặc dù nghe có vẻ bùi tai, nhưng việc đạt được giấc mơ về “niềm vui sướng, sự bất tử và tính thần thánh” vẫn là một điều không hay ho gì đối với con người cả. Harari dự đoán về một tương lai khi mà số ít những người ở tầng lớp trên sẽ tự “nâng cấp” bản thân nhờ vào công nghệ gen và công nghệ sinh học, bỏ lại những người ở tầng lớp thấp hơn và biến thành một giống loài thần thánh như tên của cuốn sách – “Homo Deus”. Thế giới sẽ thành một nơi mà trí tuệ nhân tạo còn “hiểu rõ ta hơn cả ta hiểu chính mình”, tầng lớp thần thánh kia và những con robot thông minh sẽ xem phần còn lại của loài người là đồ thừa.
Harari đã làm rất tốt việc vẽ ra cho chúng ta viễn cảnh về tương lai tàn nhẫn này. Nhưng tôi vẫn lạc quan hơn anh ta, rằng tương lai này không phải thứ được định sẵn.
Harari nêu ra rằng những tiến triển của con người hướng về “niềm vui sướng, sự bất tử và tính thần thánh” vốn đã gắn liền với bất công bởi vì một vài người sẽ vượt được lên đầu và rất nhiều sẽ bị bỏ lại. Tôi đồng ý rằng những tiến bộ của loài người đang diễn ra nhanh chóng và không phải ai cũng sẽ có đủ điều kiện để bắt kịp và có được lợi ích từ chúng. Thị trường tư nhân đang phục vụ cho nhu cầu của người dân bằng tiền và vì vậy mà nhu cầu của người nghèo bị bỏ lại. Nhưng chúng ta có thể hành động để khiến khoảng cách giàu nghèo thu hẹp lại và giảm thiểu thời gian các tiến bộ lan ra toàn cầu. Ví dụ, ta đã từng mất nhiều thập kỉ để tạo ra vaccin và phổ biến chúng dần từ người giàu đến người nghèo; nhưng hiện tại nhờ vào nỗ lực của nhiều công ty, tổ chức y dược cũng như chính phủ mà thời gian để các hỗ trợ y tế đến được với người dân chỉ còn lại chưa đến 1 năm. Chúng ta cần cố gắng để khoảng cách này thu hẹp hơn nữa, nhưng vẫn có một điều cần lưu ý: Bất công là điều không thể tránh được.
Theo như quan điểm của tôi, kịch bản về một ngày robot sẽ trỗi dậy và giành quyền thống trị chưa phải là điều thú vị nhất mà người ta có thể nghĩ đến. Chắc chắn là trí tuệ nhân tạo càng đi lên thì ta lại càng phải đảm bảo rằng chúng sẽ phục vụ con người chứ không phải để nổi dậy hay gì gì đó. Đây thật ra là vấn đề về kỹ thuật hay gọi là là vấn đề về kiểm soát máy móc. Ta chưa cần phải nói gì nhiều về vấn đề đó khi mà nó, đúng ra mà nói, còn chưa thật sự tồn tại trong công nghệ hay máy móc hiện nay.
Tôi nghĩ sẽ thú vị hơn nếu nghĩ đến thứ gọi là vấn đề về mục đích. Cứ cho rằng ta sẽ duy trì sự kiểm soát đó, rồi chúng ta giải quyết xong xuôi những vấn đề lớn như đói nghèo, bệnh tật và giữ thế giới hòa bình. Nhưng rồi sau đó, mục đích tiếp theo của con người sẽ là gì? Sẽ còn những thách thức gì khiến loài người lại tiếp tục lao vào giải quyết đây?
Trong phiên bản này của tương lai, điều ta lo lắng không phải là bị bọn robot nổi điên tấn công nữa, mà là không còn mục đích sống.
“Sẽ thế nào nếu tất cả trẻ em trên thế giới đều được đảm bảo một cuộc sống hạnh phúc và khỏe mạnh? Liệu điều đó có làm suy chuyển vai trò của cha mẹ?”
Tôi nghĩ rằng câu hỏi trên liên quan mật thiết đến cuộc đời mình. Gia đình đã cho tôi mục đích sống – khiến tôi trở thành một người chồng, một người cha, một người bạn tốt. Giống như nhiều phụ huynh, tôi mong muốn con mình sẽ được hạnh phúc, khỏe mạnh và có một cuộc sống trọn vẹn. Nhưng nếu như tất cả trẻ con trên thế giới đều có được những điều đó? Liệu nó có làm suy chuyển vai trò của cha mẹ?
Harari đã khá xuất sắc trong việc trả lời câu hỏi vấn đề về mục đích và anh ấy nên được tuyên dương vì đã tìm ra câu trả lời. Anh ta gợi ý về việc đi tìm mục đích sống mới để ta xây nên một tín ngưỡng mới – sử dụng những từ ngữ theo hướng rộng hơn mọi người nghĩ, như là “những nguyên tắc có hệ thống dẫn dắt cuộc sống của chúng ta”.
Không may là tôi vẫn chưa hài lòng lắm với câu trả lời cho câu hỏi về mục đích. (Công bằng mà nói, tôi cũng chưa từng hài lòng với bất kỳ câu trả lời nào kể cả từ những cây bút thông thái như Ray Kurzweil hay Nick Bostrom, hay thậm chí cả câu trả lời của chính tôi.)
Trong chương cuối của cuốn sách, Harari nói về một tôn giáo gọi là “Dữ liệu giáo” (Dataism), một tôn giáo coi việc phát triển dòng chảy thông tin là chân đạo. Dữ liệu giáo (Dataism) “không hề chống lại những kinh nghiệm của con người”, Harari viết “Tôn giáo này không nghĩ rằng con người có một giá trị cốt lõi.” Vấn đề là Dữ liệu giáo (Dataism) không thực sự giúp con người sắp xếp lại cuộc sống, vì tôn giáo này không hỗ trợ cho sự thật rằng con người sẽ luôn luôn có nhu cầu xã hội. Vì dù là trong một thế giới không chiến tranh hay bệnh hoạn, chúng ta vẫn coi trọng sự giúp đỡ, sự tương tác hay quan tâm lẫn nhau.
Nhưng đừng để một kết luận nghe có vẻ bất mãn của tôi ngăn bạn đọc Lược Sử Tương Lai. Đây là một cuốn sách có sức hút sâu xa với rất nhiều ý tưởng nghe lạ lùng và khiêu khích, nhưng cũng không có nhiều thứ gây khó hiểu. Homo Deus sẽ khiến bạn nghĩ đến tương lai, hay một cách nói khác là nó sẽ khiến bạn nghĩ về hiện tại. Tôi đã gợi ý Lược Sử Tương Lai cho Melinda và cô ấy đọc nó khi tôi đang viết review này, tôi không thể chờ đến bữa tối để cùng vợ tôi thảo luận về cuốn sách này.”
Bìa cuốn sách Homo Deus – Lược Sử Tương Lai sẽ được công ty phát hành sách Nhã Nam ra mắt trong thời gian sắp tới.
Dịch từ blog Gatesnotes.com
Người dịch: Rùa Béo
L♥vebooks.vn
One thought